Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Những lầm tưởng nguy hại đến sức khỏe trái tim

Dưới đây là những sai lầm tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có nguy hại lớn đến tim.

Có những việc mà bạn không thường xuyên thực hiện vì bạn cho rằng nó vô hại. Nhưng thực chất, về lâu dài, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe của tim.

1. Không kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Nhiều người bị bệnh tim nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nếu không đi khám định kì đầy đủ thì cũng rất khó để phát hiện bệnh. Tốt nhất là, ngay từ năm 20 tuổi, bạn nên chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe của mình. Bạn nên kiểm tra lượng cholesterol 5 năm/lần, kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần...

2. Không biết lịch sử bệnh tật của gia đình

Để biết mình có nguy cơ cao với các bệnh nói chung và bệnh tim nói riêng, bạn nên biết những người thuộc thế hệ trước bạn (ông, cha, mẹ) bị những bệnh gì. Ngoài ra, nếu các anh chị em của bạn có bất kỳ dấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt là ở tuổi trẻ, thì rủi ro bạn bị bệnh tim có thể cao hơn.


Biết lịch sử bệnh tật của gia đình sẽ giúp bạn lường trước những nguy cơ sức khỏe. Ảnh minh họa
3. Vệ sinh răng miệng kém

Về mặt y tế, bệnh răng miệng và sức khỏe tim mạch đi cùng với nhau. Trong thực tế, những người không chú ý đến chuyện vệ sinh răng miệng hoặc bị bệnh viêm lợi có thể bị bệnh tim cao hơn những người khác. Viêm mãn tính xảy ra trong lớp niêm mạc nướu răng sẽ làm tăng các vi khuẩn và nhanh chóng đưa chúng vào máu của bạn. Những người đánh răng thường xuyên có thể giảm nguy cơ bệnh tim.

4. Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Cơ thể bạn cần một số tiếp xúc ánh nắng mặt trời giúp bạn duy trì đủ lượng vitamin D - một vitamin thiết yếu được sản xuất trong làn da của bạn dưới ánh sáng mặt trời. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người có nồng độ vitamin D thấp sẽ có nhiều khả năng xuất hiện các mảng bám tích tụ trong mạch máu hơn so với những người khác. Vì vậy, tốt nhất mỗi ngày bạn nên dành 5-30 phút dưới ánh nắng mặt trời (không có kem chống nắng), lý tưởng nhất là vào buổi sáng và chiều để giúp cơ thể sản xuất đủ lượng vitamin D cần thiết.

5. Uống nhiều đồ uống có ga

Thức uống có ga hoặc nước tăng năng lượng là những nguồn cung cấp đường vào cơ thể và làm tăng chất béo trung tính trong máu. Từ đó, cholesterol được hình thành trong động mạch và từ đó góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Tốt nhất, để giảm cơn khát, bạn nên uống nước lọc hoặc nước chanh ít đường, nước mía...

6. Rối loạn giấc ngủ

Nếu bạn không ngủ đủ giấc, ngủ chập chờn... bạn có thể làm tổn hại đến trái tim của mình. Một giấc ngủ ngon hàng đêm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tăng/giảm huyết áp và ổn định nhịp tim. Những người có thói quen ngủ tốt là ít có khả năng bị suy tim và đau tim. Nếu bạn thường xuyên không ngủ đủ 6-8 giờ/ngày, hãy gặp bác sĩ để nhận được những tư vấn và phương pháp điều trị thích hợp nhất.

7. Không có một chế độ ăn uống đầy màu sắc

Ngoài chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, trái cây và rau quả cũng rất giàu kali. Để kiểm soát huyết áp, điều quan trọng là bổ sung lượng kali nhưng đồng thời phải giảm lượng natri tiêu thụ.

Các loại trái cây họ cam quýt, chuối, khoai tây, cà chua và đậu... đều chứa rất nhiều kali. Những thực phẩm có màu trắng cũng có tác dụng tương tự. Những người ăn một lượng lớn các loại trái cây màu trắng và rau quả (như táo, lê, dưa chuột và súp lơ) có thể giảm 52% nguy cơ đột quỵ và bệnh tim



Chế độ ăn uống nên đầy đủ các loại rau củ để tốt cho tim. (Ảnh minh họa)

8. Không kết giao bạn bè

Nuôi dưỡng mối quan hệ với những người thân và bạn bè không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn, mà còn kéo dài tuổi thọ. Trong một nghiên cứu 13 năm gần đây của hơn 3.000 người, các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát hiện ra rằng những người phụ nữ cô đơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 76% so với những người không cô đơn.

9. Không nghỉ ngơi

Cố gắng làm quá nhiều thứ cùng một lúc là một trong những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị căng thẳng, và từ đó dễ dàng đưa đến nguy cơ bị bệnh tim. Căng thẳng mãn tính có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây tổn hại các thành động mạch. Vì vậy, hãy dành thời gian cho mình để nghỉ ngơi, đây cũng là cách hay để bảo vệ sức khỏe của tim.

Hiểm họa sức khỏe từ hóa chất làm móng tay

Aceton để rửa móng tay nếu kết hợp với một số hóa chất khác trở nên có hại, gây ói mửa cho người ngửi phải. Một số chất keo gắn móng tay giả, bóc keo, đắp bột... cũng ảnh hưởng sức khỏe.

Khi bước vào một số tiệm làm móng, bạn thường khựng lại vài giây khi ngửi thấy mùi đặc biệt từ trong tiệm tỏa ra. Kỹ thuật làm móng sử dụng một số loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Những hiểu biết cần thiết để có biện pháp giảm thiểu tác hại của các hóa chất đó đối với sức khỏe.

Chất Aceton

Aceton là một hóa chất rất thông dụng trong nhiều ngành kỹ nghệ. Trong nghề làm móng tay, aceton được dùng rất nhiều với các tên khác nhau như: dimethyl formaldehyde, dimethyl ketone, finger nail polish removers, rubber cement.

Aceton là một chất lỏng, hòa tan trong nước, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy và có mùi vị đặc biệt. Chất này được tổng hợp trong phòng thí nghiệm nhưng cũng có ở thiên nhiên như trong không khí, nước uống, ruộng đất. Aceton hòa nhập vào đất, nước nhưng không tích tụ trong đất và nước lâu vì các vi sinh vật đã chuyển biến chúng ra các hợp chất khác. Vì thế, aceton vô hại do bị biến đổi rất mau, nhưng khi kết hợp với chất khác như hydogen peroxide, chloroform thì aceton trở thành có hại.


Nên để xa và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với aceton

Trong cơ thể, aceton có trong các cơ quan do sự chuyển hóa thực phẩm tạo ra. Bình thường, aceton được nước tiểu thải ra ngoài. Nếu vì lý do nào đó mà aceton không được thải ra thì độ acid của máu lên cao, có thể gây bất tỉnh. Trong tiệm làm móng, 97% aceton thoát ra sẽ hòa lẫn trong không khí.

Aceton được dùng hòa tan nhiều chất hóa học trong các sản phẩm kỹ nghệ như sơn, mực in, nhựa, thuốc nhuộm, thuốc rửa móng tay. Aceton xâm nhập cơ thể qua hít thở không khí nhiễm nhiều aceton; da tiếp xúc trực tiếp với aceton; người hút thuốc và người hít khói thuốc đều bị nhiễm aceton.Tại các tiệm móng tay, nồng độ aceton tối đa trong không khí được cho phép là 1.000ppm/8 giờ làm việc/40 giờ/1 tuần.

Khi aceton xâm nhập vào cơ thể sẽ lan vào máu và các bộ phận khác. Nếu chỉ nhiễm lượng nhỏ, aceton sẽ được gan biến hóa thành các sản phẩm vô hại và có thể được chuyển thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Trái lại, khi nhiễm lượng lớn aceton, dù chỉ trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe với các biểu hiện: ói mửa, nặng hơn thì ói ra máu; dung dịch aceton bắn vào mắt sẽ gây cay mắt, tổn thương giác mạc, nhưng thường chỉ vài ngày sau thì lành.

Hơi aceton cũng làm ngứa và chảy nước mắt. Khi tiếp xúc với aceton trong thời gian lâu hơn, giác mạc sẽ bị đục tạm thời hoặc vĩnh viễn. Chỉ với nồng độ rất nhỏ hơi aceton cũng gây kích thích niêm mạc mũi. Niêm mạc họng có thể bị kích thích, sưng khi uống hoặc hít phải hơi aceton. Khi bị ngộ độc aceton, nhịp tim đập rất nhanh và huyết áp giảm đáng kể. Thính giác có thể bị suy yếu khi hít phải lượng nhỏ aceton.

Nhiễm độc aceton thì thần kinh trung ương giảm hoạt động, bệnh nhân thấy buồn ngủ, cử động không phối hợp, thân thể chuyển động liên tục và có thể bị hôn mê. Aceton có thể gây khó thở, nhịp thở chậm, hơi thở yếu, ngứa phế quản. Tuy nhiên, cho tới nay, aceton chưa bị xếp vào danh sách các hóa chất có nguy cơ gây ung thư.

Chất methyl methacrylate monomer (MMA)

Là hóa chất được sử dụng nhiều trong việc làm móng tay giả, xi măng trám răng, bộ phận cơ thể giả, MMA có trong keo dán móng tay nhựa. Người ta hít phải bụi và hơi MMA qua mũi, miệng và phổi. Hóa chất này gây viêm da, chảy nước mắt, nước mũi, kích thích niêm mạc họng, gây chóng mặt, tay run rẩy, cảm giác ở đầu ngón tay lâm châm như kim chích. Có bệnh nhân bị lên cơn suyễn vì hơi MMA. Nhiều người còn bị viêm gân ở các ngón tay vì liên tục nhiễm chất này. Một số nghiên cứu khoa học cho biết MMA cũng có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi khi thai phụ tiếp xúc quá lâu với hóa chất này.

Trong ngành y, MMA vẫn được dùng vì có những biện pháp an toàn khi làm răng hoặc chân tay giả. Do MMA có mùi rất nồng nặc, bay hơi rất nhanh, keo gắn móng tay giả có MMA rất cứng, rất khó giũa dù đã ngâm vào nước nóng hoặc nước pha thuốc nên nó dần được thay thế bằng chất ethyl methacrylate (EMA).

Chất ethyl methacrylate

Nếu bạn tiếp xúc lâu với hóa chất này có thể thấy các tác hại như: dị ứng mắt với giác mạc gây rát, đỏ ngứa, mắt sưng, chảy nước mắt; da dễ bị kích ứng, ngứa, nổi mề đay. Nếu nhiễm lâu, da sẽ khô, nứt, viêm đỏ, trong đó người đã có bệnh ngoài da thì ảnh hưởng sẽ nặng hơn. Hít phải hóa chất với nồng độ cao sẽ bị khó thở, nặng ngực, người bị bệnh suyễn sẽ lên cơn suyễn thường xuyên hơn. Hít nhiều hóa chất sẽ bị choáng váng, chóng mặt, rối loạn các cử động, mệt mỏi. Nếu nuốt hóa chất này vào miệng thì sẽ bị ói mửa, đau bụng.

Các hóa chất khác

Acetonitrile là chất để bóc keo gắn móng tay giả, có thể kích thích mũi, niêm mạc họng gây nhức đầu, đau bụng, ói mửa; khó thở, nặng ngực; rối loạn nhịp tim; lên cơn động kinh; bất tỉnh.

Benzen có trong keo gắn móng tay có thể làm rối loạn hô hấp, đỏ da, giảm chức năng thần kinh, ung thư máu.

Benzoil peroxide là chất bột đắp móng, có thể gây dị ứng da, kích thích đường hô hấp, ho, đau họng khi hít nhiều.

Camphor, DN-butylphthalate là những chất làm bóng, có thể gây viêm da, kích thích mũi, mắt, họng.

Ethyl acetate để làm bóng và keo gắn móng tay: có thể gây ngứa mũi, chảy nước mắt, viêm họng, viêm da với nồng độ cao, có thể gây tổn thương gan và thận.

Formaldehyde là chất làm bóng móng tay: có thể gây dị ứng da, hen suyễn, làm chảy nước mắt, nước mũi…

Như vậy, khi bạn đi làm đẹp, cần chọn tiệm có không gian thoáng khí. Bạn có thể đeo khẩu trang để hạn chế hít phải các hơi hóa chất độc hại. Nếu bạn đã từng bị dị ứng với loại hóa chất nào ở các lần làm đẹp trước, hãy nói cho nhân viên kỹ thuật biết để tránh không dùng thứ đó cho bạn.

Những thói quen ăn uống khiến bạn mau già

Có thể bạn không biết nhưng chính những thói quen ăn uống của bạn lại gây hại cho sức khỏe và thậm chí còn khiến bạn nhanh già hơn.

1. Bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Cơ thể sau khi ngủ dậy để sẵn sàng chào đón một ngày làm việc học tập, cần nạp đủ dinh dưỡng để ứng phó với sự tiêu hao năng lượng của cả ngày.

Theo phân tích của các chuyên gia, bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người trong suốt cả ngày. Nếu bạn không ăn sáng, cơ thể con người tiêu thụ glycogen và protein được lưu trữ trong cơ thể. Thời gian trôi qua, nó sẽ gây khô da, hình thành nếp nhăn và thiếu máu, đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người. Thậm chí, nghiêm trọng hơn nó còn có thể gây ra thiếu hụt dinh dưỡng.



Ăn nhiều đồ chiên xào sẽ làm quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.

2. Ăn quá no

Ăn quá no vô cùng gây hại cho sức khỏe, nó dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, rắc rối trong trao đổi chất, hơn nữa còn đẩy nhanh tốc độ lão hóa, khiến buồng trứng suy thoái sớm. Các chuyên gia chỉ ra rằng, ăn quá no trong thời gian dài khiến thức ăn trong dạ dày không kịp tiêu hóa và bị vi khuẩn phân hủy thành độc tố. Những độc tố này sau sẽ gây hại cho hệ thần kinh trung ương, dẫn đến tư duy chậm chạp, IQ và EQ đều giảm sút.

Ngoài ra, việc ăn uống có ít calo, giàu protein chất lượng cao, ít đường, ít chất béo có thể kích thích giải phóng hormone tăng trưởng và tăng cường các chức năng cơ thể, khích lệ tinh thần. Ăn hơi đói một chút sẽ có lợi hơn việc ăn no, nó giúp làm chậm sự lão hóa.

3. Ăn kiêng quá mức

Ăn kiêng quá mức cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa. Do các chị em ăn kiêng quá mức, sức khỏe của họ cũng có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Việc bổ sung protein và chất béo không có thể được cung cấp đầy đủ, có thể làm tổn thương tóc.

Thậm chí có thể được gây ra rụng tóc vì thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt. Quá trình tạo ra estrogen trong cơ thể nữ với trọng lượng nhẹ sẽ thiếu. Tiếp theo, sự tích hợp của canxi và xương sẽ bị ảnh hưởng gây ra loãng xương, nhanh già.



Ăn kiêng quá mức cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa.
4. Thích các món chiên xào

Rất nhiều người thích ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ mà không biết rằng, sau khi ăn đồ chiên xào, chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy, còn sinh ra chất gây ung thư. Hơn nữa lượng calo trong thức ăn chiên xào khá cao, chất béo khó tiêu hóa không thích hợp ăn trong thời gian dài.

Ngoài ra, chất béo còn biến thành peroxy lipid trong cơ thể, hình thành các gốc tự do, chỉ có thể nạp calo. Do đó bạn nên hạn chế tần suất và số lượng ăn đồ chiên rán. Đặc biệt là đối với phụ nữ, ăn đồ chiên rán quá lâu, các chất độc trong cơ thể sẽ gia tăng, lão hóa sẽ đẩy nhanh hơn.

5. Ăn uống nghèo chất dinh dưỡng

Muốn làm chậm tốc độ lão hóa nên chú ý tới dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, duy trì sự cân bằng dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, mỗi ngày tối thiểu phải ăn 14 loại thực phẩm mới đạt được chế độ ăn uống cân bằng. Chẳng hạn như khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, số lượng lên tới mấy chục loại, phân bổ rất rộng.

Thức ăn hàng ngày giống nhau không chỉ ảnh hưởng tới vị giác, giảm cảm giác thèm ăn mà còn gây mất cân bằng thành phần dinh dưỡng, thậm chí còn suy dinh dưỡng, ẩn giấu nhiều mầm mống bệnh.

Ngủ không đúng cách sẽ làm tổn hại tới sức khỏe

1/3 quỹ thời gian hàng ngày của mỗi người dành cho việc ngủ. Một giấc ngủ ngon giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, có nhiều thói quen xấu khi ngủ vô tình lại có hại cho sức khỏe.
Dưới đây là một số ví dụ:


1. Ngủ theo tư thế mặt đối mặt


Đây là tư thế ngủ của khá nhiều người, nhất là của các cặp vợ chồng hoặc giữa bố mẹ và con cái. Tuy nhiên, đây là tư thế ngủ “mất vệ sinh” nhất vì khi ngủ đối mặt, chúng ta vô tình sẽ hít phải khí cabonic do người đối diện thở ra. Điều này dẫn tới việc não thiếu nguồn oxy cần thiết, người ngủ không ngủ sâu, dễ tỉnh giấc, giật mình, mộng mị hoặc khi ngủ dậy luôn có cảm giác mệt mỏi, đau đầu.


Tốt nhất, hãy chọn cho mình một “thế giới riêng” khi ngủ. Nếu có ngủ chung giường với một người khác, hãy quay về 2 hướng khác nhau.


2. Đeo đồ trang sức khi ngủ

Nhiều chị em phụ nữ thường có tâm lý “ngại” cởi bỏ trang sức khi đi ngủ. Hầu hết các đồ trang sức làm bằng kim loại. Khi ngủ, chúng tiếp xúc và cọ sát với da khiến làm tăng nguy cơ bị dị ứng da. Một số trang sức lại phát quang vào buổi đêm chứa radium - nguyên tố kim loại phát xạ, tuy lượng nhỏ nhưng lâu dần sẽ gây hại cho cơ thể.


Ngoài ra, đeo trang sức khi ngủ sẽ gây trở ngại cho tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể, khiến đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ thể.


3. Há miệng thở khi ngủ


Thông thường chúng ta đều thở bằng mũi. Thở qua mũi giúp tạo nên áp lực phản hồi để phổi có nhiều thời gian hấp thu ôxy và cân bằng pH máu.


Thói quen thở miệng bỏ qua các phản xạ trên có thể dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ hay các vấn đề tim mạch khác. Khi thở miệng, não cho rằng cơ thể mất carbon dioxide quá nhanh, não nhạy cảm tình trạng này và ức chế trung tâm hô hấp.


Ngoài ra, khi thở bằng miệng, luồng khí đi thẳng vào họng và phổi không được “lọc sạch” nên dễ gây viêm họng. Lâu ngày có thể hay đổi mức khí máu; mất ngủ, thay đổi giọng nói hoặc các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp.


Hãy từ bỏ thói quen thở bằng miệng ngay hôm nay. Còn nếu vì một lý nào đó buộc bạn phải dùng miệng để thở, hãy tới bác sỹ để được tư vấn cách điều trị.



Không nên thở bằng miệng khi ngủ. Ảnh minh họa


4. Mặc áo ngực khi ngủ


Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người phụ nữ mặc áo lót hơn 12h mỗi ngày có tỉ lệ ung thư vú cao gấp 21 lần, đặc biệt những người mặc áo lót khi ngủ nguy cơ này tăng lên đến 113 lần.


Mặc áo ngực khi ngủ, nhất là áo ngực chật khiến các mạch máu không được lưu thông, các chất thải không được giải phóng sẽ tích tụ lâu ngày gây ung thư vú.


Ngoài ra, hầu hết các loại áo lót hiện nay được làm từ các sợi hóa học. Các sợi này khi tiếp xúc với da sẽ dễ gây dị ứng. Vì vậy, các chị em tốt nhất nên tháo bỏ áo lót khi đi ngủ, chọn các loại áo lót làm từ các loại sợi tự nhiên. Hãy cố gắng giảm thiểu thời gian mặc áo lót hàng ngày và thường xuyên matxa bầu ngực mỗi ngày để kích thích lưu thông máu vùng ngực.


5. Ngủ trong phòng quá nóng


Nhiệt độ quá cao trong phòng có thể gây rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khí nóng khi hít vào có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Không khí nóng cũng là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật sinh sôi và phát triển nên dễ gây cảm cúm.


Đối với những người cao tuổi mắc bệnh tim mạch, nhiệt độ trong phòng ngủ cao có thể gây tức ngực, mất ngủ, khó thở.


Phòng ngủ là 20 độ, độ ẩm 60% là môi trường lý tưởng cho giấc ngủ của bạn.


6. Trùm chăn khi ngủ


Nhiều người thích trùm chăn kín đầu và toàn thân, đặc biệt là khi sợ hãi hoặc trời lạnh. Đây là thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.


Trong quá trình thở, cơ thể hít vào khí oxy vào và thở ra khí CO2. Khi đầu bạn bị trùm kín, khí ôxy trong chăn ngày càng ít đi, còn khí CO2 ngày càng nhiều lên. Vì không được cung cấp đủ dưỡng khí nên não bạn sẽ hoạt động kém đi. Tình trạng thiếu ôxy kéo dài sẽ khiến các tế bào não bị tổn thương.


Người ngủ trùm chăn sẽ cảm thấy tức ngực, thở gấp hoặc nửa đêm thấy ác mộng, lo sợ. Sáng ngủ dậy toàn thân mệt mỏi như vừa trải qua hoạt động nặng. Với những người có tiền sử động kinh hoặc các vấn đề về não, thói quen trùm chăn khi ngủ làm tăng nguy cơ gặp các tai biến.


Do đó, bạn không nên trùm chăn kín đầu khi ngủ. Những ngày quá lạnh, nếu bạn cần đóng kín các cửa sổ vào ban đêm thì nên mở chúng ra cho thoáng vào ban ngày.



Không nên gối lên tay khi ngủ. Ảnh minh họa


7. Dùng tay thay gối


Hãy từ bỏ ngay thói quen dùng tay gối đầu khi ngủ nếu bạn không muốn mắc phải các vấn đề về tiêu hóa cũng như chất lượng giấc ngủ.


Dùng tay thay gối khi ngủ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tuần hoàn máu của cơ thể, dẫn đến các cơn đau hoặc tê liệt ở chi trên như cột sống, bả vai... Ngoài ra, thói quen xấu này còn dễ tạo áp lực nơi ổ bụng, lâu dần sẽ gây trào ngược thực quản.

Đeo túi xách thế nào có lợi cho sức khỏe?

Đeo một chiếc túi xách không hề đơn giản, không biết cách nó có thể gây hại cho sức khỏe.

Khi dùng túi xách bạn có mắc thói quen xấu nào không? Và bạn có biết cách chọn một chiếc túi xách “thân thiện” với sức khoẻ?

Túi xách quá nặng hoặc dùng sai cách có thể gây đau đầu, cổ hoặc vai. Một số thói quen không tốt dưới đây rất phổ biến và có thể bạn đang là một trong rất nhiều người mắc phải.

Mang túi nặng ở một bên

Theo thông tin từ hiệp hội American Chiropractic, một chiếc túi nên có trọng lượng không quá 10% trọng lượng cơ thể bạn. Đeo túi với trọng lượng lớn hơn cho phép ở một bên của cơ thể có thể dẫn đến đau lưng và vai. Túi nặng thậm chí còn gây đau đầu. Tiến sĩ Karen Erickson cho biết: “Một chiếc túi xách thiếu khoa học, tạo quá nhiều áp lực lên cơ trapezius ở vai và theo đường dẫn đi lên phía sau hộp sọ là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau nửa đầu cùng tổn thương cho cơ. Nếu đi bộ, bạn nên thường xuyên đổi vị trí túi xách hai bên để giữ cân bằng và thoải mái.”

Chọn chiếc túi với quai mỏng

Một chiếc túi với quai mỏng nếu quá nặng nó có thể cắt/ hằn vào phần bắp thịt vai và gây đau. Đặc biệt dây kim loại còn làm vết đau thêm trầm trọng. Quai túi xách dày sẽ làm nhiệm vụ phân phối trọng lượng tốt hơn.

“Nếu bạn ra ngoài với một chiếc túi xách quai mỏng, để tránh tổn thương vai, biện pháp tạm thời là bạn có thể kéo chiếc túi về phía trước người.” – lời khuyên từ tiến sĩ Erickson.

Đeo một chiếc balô quá thấp

Bạn quyết định dùng balô để phân bố đều trọng lượng, hãy chắc chắn bạn đeo nó đúng cách. Trước tiên, bạn cần sử dụng cả hai quai balô thay vì dùng một quai. Để balô không quá thấp dưới phần lưng bạn, vị trí lí tưởng nhất là bạn hãy để balô ở phần dưới của khung xương sườn, chứ không phải là xương vùng eo hông.



Đeo ba lô quá thấp gây hại cho bờ vai của bạn (Ảnh minh họa)
Đặt túi xuống sàn nhà

Đây là lỗi mà nhiều người ít khi chú ý. Túi du lịch hay các loại túi xách dùng hàng ngày đi từ phòng ngủ đến ghế ngồi trên xe (tàu), văn phòng, cửa hàng tạp hoá, sau đó đến nhà hàng, quán bar, thậm chí là nhà vệ sinh công cộng, rồi trở về với phòng bếp. Ngoài việc làm cho chiếc túi của bạn trông bẩn hơn, khi đặt túi xuống sàn nhà, bạn đã khiến túi xách thu thập nhiều vi khuẩn có hại. Đừng đặt túi xách một cách tùy tiện và hãy chú ý vệ sinh túi mỗi ngày.

Một chiếc túi "đa năng"

Tránh dùng một chiếc túi tới nhiều nơi, cho nhiều hoạt động trong ngày vì nó sẽ làm gia tăng khối lượng bạn phải xách theo bên mình. Hãy dùng một chiếc túi riêng biệt khi bạn đến phòng tập thể dục, dùng túi xách giầy dép riêng thay vì để tất cả trong một chiếc túi lớn.



Không nên để túi xuống đất vì không vệ sinh (Ảnh minh họa)

Những điều lưu ý khi chọn mua túi xách

Ngoài việc lựa chọn kiểu dáng, chất liệu túi xách, bạn cũng nên lưu tâm tới một số lời khuyên dưới đây để “vật bất li thân” này không gây tổn thương cho cơ thể.

Một số chiếc túi được trang trí thêm chất liệu cứng và nặng dây chuyền kim loại hay khoá có thể gia tăng thêm trọng lượng.Nếu một chiếc túi xách không đựng gì cũng có cảm giác nặng thì bạn nên xem xét lại.

Kiểm tra kỹ dây đeo hoặc thay thế nó nếu cảm thấy không thoải mái.
Bạn nên chắc chắn rằng chiều dài của túi phù hợp với chiều cao cơ thể bạn. Nếu chiếc túi xách quá ngắn, bạn sẽ không thể đung đưa được cánh tay, hay nếu quá dài, nó sẽ làm xấu dáng đi của bạn. Chiều dài chiếc túi thích hợp nhất khi nhấn nhá quanh vùng eo cơ thể.

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Làm nghề nào tốt cho sức khỏe?

Một công việc khỏe mạnh mang lại cho bạn nhiều thứ, không chỉ là việc tránh được các chất độc hại hay máy móc ồn ào.


Người lao động cần sự tôn trọng, thu nhập, sự khích lệ và kiểm soát được công việc. Điều cân bằng với nó là chất lượng cuộc sống bên ngoài công việc. Hãy cân nhắc những công việc dưới đây - nếu bạn muốn có một sức khỏe tốt nhất - theo chuyên gia L. Casey Chosewood, từ Viện Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp quốc gia Mỹ.

1. Huấn luyện viên thể dục

Tất nhiên, những nghề cần luyện tập thân thể đều thuộc nhóm tốt nhất. Trang Monster.com liệt kê 10 nghề khỏe mạnh nhất thuộc nhóm này, như hướng dẫn yoga, biên đạo múa, huấn luyện viên chạy bộ, huấn luyện viên cá nhân...



Những nghề này tạo cơ hội tương tác với người khác, năng động và dẻo dai. Tuy nhiên, người làm nghề này cũng có thể không được bảo hiểm sức khỏe.

2. Kỹ sư phần mềm

Ngồi bên máy tính cả ngày có vẻ không khỏe mạnh, nhưng đó là chỗ người ta muốn làm. Các công ty tiên tiến như Google, Intel cho phép nhân viên tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, không nhất thiết phải ngồi ở cơ quan. Ngoài ra, nhiều công ty cũng có các bàn giải trí, phòng giải trí hoặc máy tập chạy ngay tại công sở.

3. Người chăm sóc cây cảnh

Việc quanh quẩn bên các loài cây, hoa và thiên nhiên giúp giảm stress và huyết áp. Ngoài ra, "hạn chót công việc", hội chứng cổ tay và đau lưng hiếm khi xảy ra với những người này.



4. Nhân viên bảo hiểm y tế

Nghề này tốt cho sức khỏe bởi mức độ stress thấp và yêu cầu thể chất không cao. Những người làm nghề phân tích dữ liệu cho các công ty bảo hiểm cũng thuộc nhóm nghề tốt nhất. Ngoài ra, khả năng thất nghiệp của nghề này thấp - một yếu tố chắc chắn nâng cao sức khỏe tinh thần cho người lao động.

5. Kỹ thuật viên y tế

Họ là các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, ghi chép số liệu, vệ sinh viên nha khoa, các nhà trị liệu... Không giống như các bác sĩ hay y tá bệnh viện, những người này thường làm trong môi trường văn phòng hoặc phòng thí nghiệm, với giờ giấc ổn định và có thể dự báo được.

6. Công chức chính phủ

Nhóm công chức này có lợi ích lớn hơn so với những người làm ở khu vực tư nhân, như được nghỉ lễ tết dài ngày. Và vì các cơ quan chính phủ thường chịu trách nhiệm cung cấp cho các chương trình tài chính hay các sáng kiến, nên nơi làm việc và nhân viên của họ thường nằm trong nhóm hưởng lợi đầu tiên.

7. Nhân viên hành chính

Đây là nhóm nghề có ít tổn thương và ốm đau nhất. Người làm nghề này ra về vào một giờ nhất định mỗi ngày, và biết rõ việc hôm nay sẽ làm gì. Tuy nhiên, họ có thể gặp tổn thương do đánh máy, đau lưng do ngồi nhiều, tăng cân do lối sống quá tĩnh tại.

8. Người làm ăn nhỏ

Một công ty lớn có thể có khiến bạn tự hào - thu nhập, thăng tiến - nhưng có thể gây cảm giác lạc lõng, thiếu tình cảm với một số người. Với họ, kinh doanh nhỏ có thể thú vị hơn. Nghiên cứu năm 2012 tìm thấy người làm ăn kinh doanh nhỏ (cả chủ lẫn người làm công) thường khỏe mạnh hơn - nguy cơ tử vong thấp hơn, ít bị béo phì và tiểu đường - so với người làm ở công ty lớn.

Chẩn đoán sức khỏe qua dáng đi

Cách đi bộ có thể tiết lộ những thông tin đáng ngạc nhiên về sức khoẻ tổng thể mà bạn không hề biết.

Đi với tốc độ chậm

Theo các nhà khoa học Trường Đại học Pittsburgh (Mỹ), tốc độ đi bộ có thể là một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy tuổi thọ của bạn. Thực tế, việc dự đoán tuổi thọ dựa vào tốc độ đi sẽ chính xác hơn khi phân tích cả những yếu tố như tuổi tác, giới tính, bệnh mạn tính, hút thuốc lá, chỉ số khối cơ thể và các dấu hiệu khác. Tuy nhiên, điều này đặc biệt chính xác đối với những người từ 75 tuổi trở lên.

Tốc độ đi trung bình của một người là 0,9m/s. Những ai đi bộ chậm hơn 0,6m/s có nguy cơ tử vong sớm cao hơn. Trong khi đó, những người có tốc độ đi trên 1m/s hoặc nhanh hơn sẽ sống thọ.



Những ai đi bộ chậm hơn 0,6m/s có nguy cơ tử vong sớm cao hơn

Điều này không có nghĩa bạn phải buộc bản thân mình đi nhanh. Nếu bạn ép buộc cơ thể làm điều đó thì chỉ khiến cơ thể dễ bị thương tổn. Điều này là do mỗi người đều có một tốc độ đi bộ tự nhiên dựa theo tình trạng của bản thân.

Không cử động tay nhiều khi đi

Khi chân trái bước về phía trước, cột sống sẽ chuyển động về bên phải, cánh tay phải cũng đồng thời chuyển động. Sự phối hợp đồng bộ này sẽ hỗ trợ cho phần lưng dưới. Do đó, nếu ai đó đi bộ mà không cử động tay nhiều, đó là dấu hiệu cho thấy cột sống không được hỗ trợ do cử động của lưng bị hạn chế. Điều này có thể gây ra những cơn đau và thương tổn vùng lưng.

Bàn chân đặt xuống mặt đất trước

Một số chuyên gia thậm chí không cần nhìn dáng đi, chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng có thể dự đoán tình hình sức khoẻ của bạn. Điều này là do khi bạn đi, việc đặt bàn chân hay gót chân xuống trước sẽ tạo nên những âm thanh khác nhau. Thông thường, gót chân sẽ tiếp xúc mặt đất đầu tiên, sau đó bàn chân mới từ từ hạ xuống. Nếu bạn đặt bàn chân xuống trước, có thể khả năng không chế của các cơ đã bị suy yếu. Đây cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc đĩa đệm vùng lưng bị tổn thương.

Sải chân ngắn

Nếu bạn bước đi với sải chân ngắn, có thể khả năng cử động của khớp xương đầu gối có vấn đề. Một nguyên nhân nữa là do phạm vi chuyển động hông còn hẹp. Tuy nhiên, điều này lại khiến lưng bạn phải chịu nhiều áp lực hơn khi bước đi, gây ra chứng đau lưng và các vấn đề thần kinh khác.



Nếu bạn bước đi với sải chân ngắn, có thể khả năng cử động của khớp xương đầu gối có vấn đề

Đi chân vòng kiềng

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm khớp xương. Theo BS Charles Blitzer - phát ngôn viên của Hội Phẫu thuật Chỉnh hình Mỹ, 85% số người bị viêm khớp xương đều đi chân vòng kiềng. Những người bị bệnh còi xương hay có gen từ trước cũng có thể bước đi như vậy. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường chỉ đúng với trẻ em chứ không hề phù hợp với người trưởng thành.

Khó nâng chân khỏi mặt đất

Bước chân cong về phía trước và gặp khó khăn trong việc nâng chân lên khỏi mặt đất không chỉ đơn thuần là dấu hiệu của tuổi già. Đây có thể là triệu chứng cho thấy bạn đang bị bệnh Parkinson. Những người bị bệnh cũng có thể có bước chân ngắn và do dự. Người bị sa sút trí tuệ trầm trọng, chẳng hạn như mắc bệnh Alzheimer cũng có thể có dáng đi như vậy.